Ngành Bác sĩ học gì? Ra trường làm gì?

Ngày gửi 23/04/2019

 -  4614 Lượt xem

Ngành Bác sĩ học những gì? Ra trường làm việc gì?

 

Ngành Bác sĩ là gì?

Sức khỏe là quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Do đó, nghề bác sĩ – nghề mang lại sức khỏe và sự sống cho con người cũng giữ một vị trí hàng đầu trong xã hội. Với từng chuyên ngành riêng, các bác sĩ sẽ phối hợp với nhau để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Từ trẻ nhỏ cho tới người già, các bác sĩ luôn quan tâm, tận tình chữa trị khi người bệnh có nhu cầu. Nhờ vậy, sức khỏe của mọi người luôn được đảm bảo, cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp và dễ dàng hơn.

 

 

Khi mỗi người dân đều khỏe mạnh, xã hội này sẽ vững bền và giàu đẹp. Tổ quốc ta luôn trên đà phát triển. Thế mới biết, nghề bác sĩ quan trọng tới nhường nào. Nghề nào cũng có những đặc trưng riêng của nó. Nghề bác sĩ cũng không ngoại lệ. Những người làm ngành y luôn biết chấp nhận vất vả. Mỗi bác sĩ luôn luôn khẩn trương làm việc, tác phong nhanh nhẹn không kể đêm ngày. Họ phải suy nghĩ, lao động trí óc và chân tay không ngừng nghỉ. Có thể sự vất vả của các bác sĩ khó ai thấu hiểu. Mức độ nguy hiểm của nghề bác sĩ lại khá cao bởi: trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, mặc dù là bệnh dễ lây truyền. Tuy đã có vật dụng bảo hộ và biện pháp cách li, song sự rủi ro thì lúc nào cũng còn đó.
 
Thực trạng nhu cầu nguồn lao động của xã hội hiện nay và trong tương lai đối với ngành Bác sĩ:
 
Chất lượng cuộc sống ngày càng cao, ngành Y tế ngày càng phát triển, cuộc sống thay đổi ngàng càng hiện đại, kéo theo đó là nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và tiêu thụ các loại dược phẩm cũng ngày càng cao. Thêm vào đó, môi trường sống bị ô nhiễm, hằng ngày con người phải tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại từ các thực phẩm, hàng tiêu dùng,…là những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng nhu cầu phòng và khám chữa bệnh của người dân.
 
Dự đoán đến năm 2020 Việt Nam sẽ thiếu lượng lớn nhân lực trong ngành Chăm sóc Sức khỏe. Theo số liệu từ Bộ Y tế thì tính tới năm 2020, dù lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đào tạo về Bác sĩ, Điều dưỡng đã cao gấp 2 lần hiện nay nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ hết nhu cầu về nhân lực ngành y tế.
Theo kế hoạch phát triển nhân lực của Bộ Y tế trong hệ thống khám – chữa bệnh giai đoạn từ 2015- 2020, thì cần phải bổ sung 10.887 Bác sĩ và 83.851 điều dưỡng. Đạt 30% tổng số điều dưỡng có trình độ Cao đẳng và Đại học. Điều này mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho những người có dự định theo học và làm việc trong ngành Y.
 
​Ngành Bác sĩ học những gì?
 
​Trong giai đoạn hiện nay, chương trình đào tạo nhóm ngành chăm sóc sức khỏe được đánh mạnh vào "Y đức" của người thầy thuốc. Thực trạng cho thấy, việc chỉ đơn giản đam mê vào ánh hào quang của ngành khiến cho không ít thí sinh chạy đua theo học và làm việc với cái nhìn tiêu cực, dẫn đến nhiều sự vụ đau lòng mà xã hội lên án gần đây. Do đó, việc cải cách chương trình học, đánh mạnh vào ý thức người Bác Sĩ, rút ngắn chương trình đào tạo cơ sở, nâng cao thời gian thực tập chuyên ngành được đánh giá khá hợp lý cho thực trạng ngành chăm sóc sức khỏe hiện nay.
 
 
 
Đ​ể dễ hiểu, chương trình cụ thể gắn liền với vị trí công việc chuyên ngành sau khi ra trường như sau:
 
Bác sĩ đa khoa
 
Làm việc trong các bệnh viện đa khoa, các trạm y tế tổng hợp, bác sĩ đa khoa có kiến thức rộng về các lĩnh vực của y học, đóng vai trò bác sĩ khám chung cho cơ thể của bệnh nhân.
Tuỳ vào tình trạng sức khoẻ của từng bệnh nhân mà bác sĩ đa khoa có những lời khuyên thích đáng, kê đơn thuốc, yêu cầu làm các xét nghiệm cụ thể hoặc chuyển bệnh nhân tới gặp bác sĩ chuyên khoa.

Bác sĩ chuyên khoa

Bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn sâu về một bộ phận nào đó trong cơ thể con người như các chuyên khoa: răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, mắt, chấn thương chỉnh hình, da liễu, tim mạch, tiêu hóa, nội tiết v.v... Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa cũng có thể chuyên về một lứa tuổi nào đấy như nhi khoa lão khoa. Họ làm việc tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa.
 

Bác sĩ ngoại khoa

Công việc chủ yếu của bác sĩ ngoại khoa là tham gia phẫu thuật cơ thể bệnh nhân để cắt bỏ các ổ bệnh, chỉnh sửa, nối ghép các bộ phận bị thương tổn v.v… Công việc này đòi hỏi bạn phải là người có đôi bàn tay vàng, sức khoẻ tốt và một thần kinh thép với khả năng tập trung tuyệt vời. Bác sĩ ngoại khoa cũng thường chuyên về một lĩnh vực nào đấy, như bác sĩ ngoại khoa chuyên về phẫu thuật não, bác sĩ ngoại khoa chuyên về phẫu thuật tim v.v...

Bác sĩ sản phụ

Công việc của bác sĩ sản phụ khoa là khám định kỳ và không định kỳ cho các sản phụ, tiến hành các nghiệp vụ kỹ thuật như siêu âm, xét nghiệm v.v... để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường để có tư vấn hợp lý cho sản phụ v.v... Bác sĩ sản phụ khoa cũng là người tư vấn về chế độ dinh dưỡng và hoạt động hợp lý, phù hợp với đặc điểm cơ thể, sức khỏe, tinh thần... của sản phụ và thai nhi.
Ngoài ra, bác sĩ sản phụ khoa tham gia vào các công việc về kế hoạch hoá gia đình, giúp các sản phụ sinh nở v.v...

Bác sĩ thú y

Là người làm công việc chẩn đoán và chữa trị bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau cho các loại động vật. Ngoài ra, họ cũng tiến hành nghiên cứu và phòng chống sự lan rộng của dịch bệnh trên động vật, bảo vệ đời sống của các loại động vật, tránh lây lan cho con người.
Bác sĩ thú y thường làm việc trong các vườn thú, rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, trong các đơn vị quản lý về y tế, các đơn vị quản lý về môi trường v.v... Ngoài ra, họ cũng có thể mở phòng khám của riêng mình, chuyên nhận bệnh nhân là những con “vật cưng” của các gia đình. Hiện nay, ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện bệnh viện dành cho vật nuôi.

Một số công tác khác trong ngành y :

* Công tác nghiên cứu: Những căn bệnh nan y, sự xuất hiện của những bệnh dịch mới, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao của con người, tất cả đang chờ đợi những người làm công tác nghiên cứu tiếp tục nỗ lực để tìm ra những phương thuốc mới, cách phòng và chữa bệnh mới. Nhà nghiên cứu công tác tại: các viện nghiên cứu của ngành, các cơ sở đào tạo ngành y, các bệnh viện, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.
* Công tác đào tạo: giữ vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, nhà sư phạm trong ngành y đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu cả về lý thuyết lẫn thực hành.
* Công tác quản lý nhà nước về y tế: Các nhà quản lý, các chuyên viên làm việc tại Bộ y tế hay các Sở y tế của các tỉnh thành trong cả nước
 
Điều kiện làm việc:

Những người làm việc trong ngành y dành phần lớn thời gian của mình tại bệnh viện, phòng khám, phòng nghiên cứu v.v... Công việc thường rất vất vả và đòi hỏi sự bền bỉ, chính xác cao độ, thường xuyên phải trực đêm, trực vào ngày nghỉ hoặc các kỳ nghỉ. Hơn thế, người làm trong ngành y thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh tật, vi khuẩn, máu, thậm chí với cả tử thi v.v...
 
Một số đơn vị đào tạo ngành Bác sĩ
 
1. Trường Đại học Y Hà Nội
2. Trường Đại học Răng - Hàm - Mặt.
3. Học viện Quân y
4. Trường Đại học Y tế cộng đồng.
5. Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh
​6. Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch
​7. Khoa Y - Đại học Quốc gia TPHCM
​8. Trường Đại học Y Huế
​9. Trường Đại học Y Thái Nguyên
​10. Trường Đại học Y Thái Bình
 

Administrator

Không tìm thấy sự kiện nào